TS. Vũ Anh Tuấn
1. NHẬN THỨC ĐƯỢC SỰ CẦN THIẾT TRIỂN KHAI MÔ HÌNH CDIO TẠI BỘ MÔN
Đề xướng CDIO mặc dù mới hình thành trên thế giới từ năm 2000, nhưng phát triển rất nhanh. Đến nay đã có 121 trường đại học uy tín là thành viên chính thức và rất nhiều trường khác đang áp dụng và chuẩn bị hoàn tất các thủ tục đăng ký thành viên Tổ chức CDIO Thế giới. Điều này đã khẳng định được tính đúng đắn và hiệu quả của việc áp dụng CDIO giúp nâng cao chất lượng đào tạo và đáp ứng như cầu xã hội và chuẩn mực đào tạo quốc tế.
Theo chủ trương chung của lãnh đạo Nhà trường, dạy học theo hướng tiếp cận CDIO là một điều kiện tiên quyết để Nhà trường đi đúng hướng trong quá trình phát triển theo đúng mục tiêu của mình. Mô hình CDIO đang vận dụng thành công những lí thuyết tiến bộ về dạy học: tiếp cận năng lực; đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội; Hướng vào người học; Hướng tới mục tiêu giáo dục (GD) suốt đời; phát huy tính tự chủ của người học...
Đối với môn học Sức bền vật liệu, phương pháp tiếp cận CDIO đã gợi ý những luận điểm quan trọng trong đổi mới cách xác định chuẩn đầu ra (CĐR), xây dựng nội dung chương trình và đổi mới phương pháp dạy học nhằm nâng cao chất lượng đào tạo theo hướng đáp ứng nhu cầu xã hội.
2. NHỮNG THUẬN LỢI KHI TRIỂN KHAI MÔ HÌNH CDIO TẠI BỘ MÔN
- Thuận lợi lớn nhất khi triển khai CDIO tại Bộ môn Sức Bền Vật Liệu là khoa & nhà trường luôn hỗ trợ; tạo điều kiện thuận lợi cho công tác học tập & triển khai CDIO tới cấp bộ môn.
- Các giảng viên đã được bồi dưỡng và am hiểu kiến thức về cdio, từ đó tích cực tham gia đóng góp ý kiến xây dựng đề cương chi tiết môn học SBVL, tìm tòi đổi mới phương pháp giảng dạy đáp ứng được yêu cầu của nhà trường và tăng tính hấp dẫn cho môn học. Các giảng viên trong bộ môn đều ý thức được sự cần thiết phải xây dựng và triển khai đề cương chi tiết theo CDIO nên rất tích cực tìm hiểu, nghiên cứu, tham gia đóng góp vào việc xây dựng đề cương.
- Từ khóa 58 trở đi, sự quá tải về số lượng các lớp mà mỗi giảng viên phải đảm nhiệm cũng như số lượng sinh viên trong lớp đã giảm nhiều nên các giảng viên có thời gian và điều kiện để thực hiện CDIO có hiệu quả hơn.
3. NHỮNG KHÓ KHĂN KHI TRIỂN KHAI MÔ HÌNH CDIO TẠI BỘ MÔN
Thách thức lớn nhất khi xây dựng đề cương chi tiết lại đến từ việc trường ta có 13 ngành kỹ thuật dùng SBVL là môn cơ sở ngành, do đặc thù chuyên môn của các ngành khác nhau dẫn đến CĐR của CTĐT yêu cầu đối với môn SBVL cũng khác nhau. Trong khi đó chúng ta đang đào tạo theo tín chỉ, các nhóm học phần đều có sinh viên của tất cả các ngành kỹ thuật. Điều đó làm cho việc xây dựng một đề cương chi tiết chung là rất khó khăn.
- Do khái niệm, quy trình cũng như cách thức tiếp cận CDIO còn khá mới mẻ với trường ta nên khi xây dựng đề cương chi tiết, bộ môn gặp không ít khó khăn, bỡ ngỡ.
- Ngoài những yêu cầu khắt khe về quy trình, nội dung, mục tiêu học phần thì các thuật ngữ sử dụng trong chuẩn đầu ra học phần theo CDIO cũng phải chuẩn xác theo từng cấp độ.
- Mặt khác ở trường ta việc xây dựng CTĐT theo CDIO lại được thực hiện đồng bộ, mang đến nhiều lợi ích nhưng bộ môn cũng gặp khó khăn trong việc học hỏi kinh nghiệm của các đơn vị khác.
- Việc thay đổi từ phương pháp giảng dạy cũ theo lối truyền thụ kiên thức một chiều, nặng về thuyết giảng sang phương pháp giảng dạy tích cực coi người học là trung tâm, giáo viên đóng vai trò là người thiết kế, tổ chức, hướng dẫn để sinh viên chủ động thu nhận kiến thức đạt các CĐR là điều giáo viên không dễ dàng thực hiện được trong một sớm một chiều.
- Vẫn còn những khó khăn , lúng túng trong việc thực hiện giảng dạy theo phương pháp tiếp cận CDIO.
- Phần lớn sinh viên chưa thích nghi được với phương pháp giảng dạy mới. Học tập theo phương pháp tiếp cận CDIO đòi hỏi sinh viên phải tự giác, chủ động, tích cực trong học tập. Phải tìm tòi, đọc nhiều nguồn tài liệu, làm các bài tập về nhà đầy đủ, nộp các báo cáo đúng hạn. Còn nhiều em sinh viên chưa đáp ứng được những yêu cầu này.
4. PHƯƠNG HƯỚNG KHẮC PHỤC KHÓ KHĂN, THỰC HIỆN HIỆU QUẢ GiẢNG DẠY THEO PHƯƠNG PHÁP TIẾP CẬN CDIO
- Nâng cao nhận thức của giảng viên về tầm quan trọng của việc đổi mới phương pháp giảng dạy, khắc phục mọi khó khăn, thực hiện tốt chủ trương của nhà trường trong việc thực hiện đào tạo theo phương pháp tiếp cận CDIO.
- Thực hiện theo phương pháp mới này các thầy cô phải nỗ lực hơn rất nhiều so với phương pháp cũ . Điều này thể hiện ở thiết kế đề cương môn học. Đề cương chi tiết không phải là bản liệt kê các nội dung kiến thức cần được học, mà phải hiểu đó là kế hoạch hoạt động giúp người học đạt được các mục tiêu. Do vậy phương pháp dạy và học cần phải được thể hiện rõ trong đề cương.
- Trước khi lên lớp giáo viên phải đầu tư nhiều thời gian, công sức để thiết kế bài giảng sao cho đạt CĐR theo CDIO, chọn lọc phương pháp giảng dạy và phương pháp đánh giá phù hợp với mục tiêu và nội dung bài giảng.
- Sinh viên cần được hướng dẫn học tập theo phương pháp mới, dần hình thành cho họ thói quen học tự giác, học chủ động và tích cực. Điều này rất cần đến vai trò của giảng viên giảng dạy, cố vấn học tập, đoàn thanh niên …
- Sau khi triển khai, thực hiện đề cương chi tiết theo phương pháp tiếp cận CDIO thì cần phải đánh giá lại chỉnh sửa cập nhật cho hoàn thiện. Việc này cần phải có thời gian, kết quả cụ thể và phải được thực hiện thường xuyên.
5. KẾT LUẬN
Trên đây là những thuận lợi khó khăn trong triển khai mô hình CDIO tại bộ môn sức bền vật liệu dưới góc nhìn của cá nhân tôi. Theo tôi theo góc nhìn khác thì còn nhiều những thuận lợi khó khăn nữa, tuy nhiên yếu tố quyết định cho sự thành công của CDIO tại các bộ trong khoa là đạt được sự đồng thuận, sự quyết tâm và sự tâm huyết của đa số các giảng viên, mà đặc biệt là Ban Lãnh đạo Khoa. Nhưng chính điều này lại là thuận lợi của Khoa Cơ Sở Cơ Bản khi đội ngũ giảng viên khoa CSCB đa số là trẻ, có năng lực, năng động, chịu khó học tập, dám đổi mới để không ngừng nâng cao chất lượng giảng dạy. Khoa CSCB là tập thể có truyền thống đoàn kết, vì tiến bộ của nhà trường và chất lượng đầu ra của Sinh viên, điều này sẽ là một nhân tố quyết định sự thành công khi triển khai CDIO tại Khoa. Đặc biệt Ban Lãnh đạo Khoa phải là những người am hiểu và nắm vững quy trình của CDIO để chỉ đạo cho các giảng viên thực hiện.