Nhận thức tầm quan trọng của NCKH của giảng viên, những bất cập và đề xuất một số giải pháp

×

Error message

  • User warning: The following module is missing from the file system: standard. For information about how to fix this, see the documentation page. in _drupal_trigger_error_with_delayed_logging() (line 1156 of /var/www/html/vimaru/web/includes/bootstrap.inc).
  • Warning: chmod(): Operation not permitted in _event_css_add() (line 272 of /var/www/html/vimaru/web/sites/all/modules/event_calendar/event_calendar_colors/event_calendar_colors.module).

TS. Vũ Anh Tuấn

Hiện nay, bất cứ một trường đại học nào cũng đều có hai nhiệm vụ chính và quan trọng nhất đó chính là: đào tạo và nghiên cứu khoa học (NCKH). Đây là hai hoạt động có mối quan hệ hữu cơ, hai nhiệm vụ cơ bản chiến lược của nhà trường, trong đó việc giảng viên nhà trường tích cực tham gia các hoạt động NCKH là một trong những biện pháp quan trọng - bắt buộc - cần thiết để hướng đến nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngày càng khắt khe của xã hội.

Một cách khái quát nhất, giảng viên tại các trường đại học có hai chức năng quan trọng, có tính chất cơ bản, đó là: giảng dạy và NCKH. Thực tiễn và lý luận đều chứng minh một cách rõ ràng rằng, NCKH và giảng dạy có mối quan hệ hữu cơ với nhau, gắn kết chặt chẽ với nhau và hỗ trợ cho nhau. NCKH tạo cơ sở, điều kiện, tiền đề nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ giảng dạy ở trên lớp. Ngược lại, công tác giảng dạy phản ánh kết quả của hoạt động NCKH. Do vậy, có thể khẳng định rằng, cùng với hoạt động giảng dạy, NCKH là thước đo năng lực chuyên môn của giảng viên.

Nhận thức được tầm quan trọng của công tác nghiên cứu khoa học trong khoa nói riêng và nhà trường nói chung, bản thân tôi có tìm hiểu và đúc rút từ bản thân một số chia sẻ. Hi vọng nhưng chia sẻ này sẽ góp phần thúc đẩy công tác NCKH của khoa và nhà trường. 

I. Những lợi ích cơ bản khi giảng viên tham gia hoạt động NCKH

1. NCKH giúp giảng viên có điều kiện đào sâu hơn, nắm bắt chặt chẽ hơn kiến thức chuyên môn mà mình đang trực tiếp giảng dạy, kịp thời điều chỉnh, bổ sung những nội dung kiến thức chưa chuẩn xác trong bài giảng của mình. Người giảng viên tham gia NCKH một mặt vừa củng cố lại kiến thức chuyên môn của mình, mặt khác vừa có điều kiện mở rộng, hiểu biết nhiều hơn từ các chuyên ngành khác nhau;

2. Quá trình tham gia NCKH sẽ góp phần phát triển tư duy, năng lực sáng tạo, khả năng làm việc độc lập, trau dồi tri thức và các phương pháp nhận thức khoa học của giảng viên. đồng thời hình thành ở giảng viên những phẩm chất của nhà nghiên cứu. Chúng ta đều biết rằng, trong quá trình tham gia NCKH, giảng viên có thể là thành viên hoặc là chủ nhiệm của một đề tài. Trong quá trình thực hiện đề tài, tự bản thân giảng viên sẽ nảy sinh ra nhiều hướng giải quyết khác nhau. Quá trình này sẽ giúp chính bản thân giảng viên rèn luyện và phát triển thêm tư duy độc lập, “tư duy phản biện”, biết bảo vệ lập trường khoa học của mình. Cũng trong quá trình thực hiện, triển khai đề tài, tự bản thân giảng viên sẽ phát triển và hoàn thiện hơn các kỹ năng cần thiết cho việc giảng dạy và nghiên cứu. Thiết nghĩ, đó là những phẩm nhất mà một người giảng viên chuyên nghiệp trong bối cảnh hiện nay.

3. Quá trình tham gia các hoạt động NCKH cũng đồng thời là quá trình giúp giảng viên tự “update” thông tin, kiến thức một cách thực sự hiệu quả. Hơn nữa, NCKH giúp cho giảng viên thu nạp thêm lượng kiến thức mới từ những nguồn khác nhau để đánh giá và hoàn thiện lại những kiến thức của chính bản thân mình.

4. Quá trình thực hiện các hoạt động NCKH là cơ hội tốt để giảng viên có môi trường, cơ hội bồi dưỡng năng lực NCKH. Đây cũng là cơ sở cần thiết để tiến hành đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy. Điều này sẽ góp phần nâng cao chất lượng đào tạo;

5. Tham gia NCKH đạt kết quả tốt góp phần nâng cao vị thế và uy tín của chính bản thân giảng viên, đồng thời khẳng định vị thế và uy tín của trường với xã hội. Vì, một trong những tiêu chí để đánh giá, xếp hạng các trường đó chính là mảng NCKH của giảng viên;

6. Giảng viên tham gia NCKH sẽ có được các mối quan hệ xã hội cần thiết trong quá trình công tác. Quá trình thực hiện đề tài NCKH, giảng viên sẽ học hỏi được rất nhiều từ các thành viên tham gia đề tài;

7. Hoạt động NCKH giúp giảng viên tự khẳng định mình. Khó có thể nói rằng nếu một giảng viên được đánh giá là có năng lực chuyên môn tốt nhưng hàng năm lại không có công trình khoa học nào. Vì năng lực của giảng viên được thể hiện chủ yếu thông qua giảng dạy và NCKH;

8. Hoạt động NCKH sẽ góp phần quan trọng để khẳng định uy tín của trường với các trường khác. Mỗi bài viết tham gia hội thảo được đánh giá cao, mỗi công trình NCKH ở các cấp, mỗi bài viết đăng trên tạp chí chuyên ngành với tên cán bộ, giảng viên gắn với tên nhà trường là một lần thương hiệu và uy tín của nhà trường được thể hiện.

II. Một số bất cập và hạn chế trong hoạt động NCKH của giảng viên

Hiện nay, hoạt động NCKH là một trong những nhiệm vụ của người giảng viên, điều này đã được nêu rõ trong quy định về làm việc đối với giảng viên. Mặt khác, nếu như chức năng dạy học và giáo dục là chức năng cơ bản thì NCKH cũng là một chức năng quan trọng của người giảng viên trong xã hội hiện đại. Bên cạnh những kết quả đạt được, thực tế cho thấy phong trào NCKH trong giảng viên những năm vừa qua vẫn còn những bất cập, hạn chế sau:

Thứ nhất, chưa nhận thức hết tầm quan trọng của NCKH, do vậy, hầu hết chưa thực sự chủ động đưa ra các đề tài nghiên cứu. Nhiều đề tài được nghiên cứu dựa trên các mô hình đã được nghiên cứu từ trước, hoặc chưa xuất phát từ nhu cầu thực tế của chính bản thân giảng viên, hoặc nhu cầu của môn học, ngành học.

Thứ hai,  Chưa nắm được phương pháp NCKH, cách tìm tài liệu tham khảo, cách xây dựng đề cương, cách trình bày một công trình NCKH. Điều này sẽ dẫn một số lỗi thường mắc phải trong NCKH của giảng viên như: phạm vi nghiên cứu thường rộng, nặng tính lý thuyết, đối tượng nghiên cứu không rõ ràng, dùng từ ngữ chuyên môn thiếu chính xác…

Thứ ba, các đề tài giảng viên lựa chọn mang tính chất khái quát, tổng quan nhiều, chưa sâu, chưa đi vào những vấn đề cụ thể, bỏ ngỏ nhiều vấn đề thiết thực. Chủ yếu giảng viên mới đi vào các công trình có nhiều tài liệu để tham khảo, giảng viên còn ngần ngại khi lựa chọn những công trình cần sưu tầm nhiều tài liệu, thống kê, chạy mô hình.

Thứ tư, có thể khẳng định rằng, nguồn thu nhập chính yếu của các giảng viên hiện nay đến từ việc giảng dạy. Việc NCKH vừa tốn nhiều thời gian, công sức, trong khi thu nhập lại ít ỏi. Hơn nữa quy định để đăng ký và  thanh toán chi phí của công tác NCKH ngày thắt chặt gây không ít khó khăn cho giảng viên để có thể quyết tâm với công tác NCKH. Chính sách khuyến khích NCKH còn thiếu tính đồng bộ và chưa tạo được động lực NCKH trong giảng viên, cán bộ công nhân viên. 

Thứ năm, Hạn chế về trình độ ngoại ngữ, nên trong quá trình tham khảo tài liệu để làm đề tài còn gặp nhiều khó khăn. Các tài liệu sử dụng tiếng Việt do các nhà nghiên cứu dịch lại thường không mang tính thời sự, tính thiết thực thấp và nội dung chưa phong phú.

Thứ sáu, kinh phí phục vụ cho những đề tài NCKH của giảng viên không nhiều. Đây cũng là điểm bất cập, gây khó khăn cho công tác phát triển NCKH trong giảng viên. Bên cạnh đó thiếu chuyên gia đầu đàn trong nhiều lĩnh vực, chưa đủ sức đảm nhiệm các nhiệm vụ nghiên cứu có tầm cỡ khu vực và quốc tế.

III. Những giải pháp cơ bản nhằm phát triển NCKH của giảng viên tại các trường đại học hiện nay.

Một là, phía nhà trường cần hỗ trợ và tạo điều kiện hơn nữa tới hoạt động NCKH của giảng viên, coi đây là giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng đào tạo của trường. Lãnh đạo khoa và nhà trường cần  giúp giảng viên nhận thức sâu sắc hơn nữa về vị trí, tầm quan trọng NCKH.

Hai là, hướng đến thành lập nhóm NCKH trong khoa để các giảng viên có kinh nghiệm NCKH giúp đỡ cho các giảng viên trẻ tham gia cùng làm đề tài. Giảng viên ở các bộ môn khác nhau, các khoa khác nhau theo tôi cũng có thể cùng nhau nghiên cứu các công trình, vấn đề liên quan. Chú trọng hơn đối với giảng viên có thành tích xuất sắc trong công tác NCKH.      

Ba là, yêu cầu các đề tài NCKH của giảng viên phải đảm bảo xác định đúng mục tiêu, đối tượng nghiên cứu cho phù hợp với nội dung chương trình đào tạo. Kết hợp chặt chẽ giữa lý luận và thực tiễn giúp giảng viên củng cố kiến thức đã được học ở nhà trường, đi vào từng lĩnh vực cụ thể; phạm vi địa bàn nghiên cứu không quá rộng. Ngoài ra, nâng kinh phí cho các đề tài NCKH của giảng viên. Ngoài nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ, nhà trường nên chủ động hợp tác với các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh, tổ chức quốc tế vừa thu hút nguồn kinh phí tài trợ cho hoạt động NCKH của giảng viên, vừa giúp các đề tài có tính ứng dụng cao hơn.

Bốn là, nhằm tạo điều kiện cho công tác NCKH của giảng viên, nhà trường nên dành nhiều kinh phí để đầu tư xây dựng phát triển thông tin thư viện số ( hiện nay mới truy cập theo hình thức scan nội dung một số trang đầu ), Hỗ trợ đường link hoặc gói truy cập một số trang dữ liệu khoa học có trả phí.

Năm là, đối với một số môn học có ít giờ giảng do ít sinh viên hoặc do thay đổi nội dung chương trình đào tạo nên giảng viên không có giờ giảng đủ định mức, nên cho phép quy đổi số giờ NCKH vượt định mức của giảng viên thành giờ chuẩn giảng dạy. Việc quy đổi này tạo điều kiện cho giảng viên được xem là hoàn thành định mức giảng dạy trong năm khi đánh giá, xếp loại giảng viên hàng năm. Làm được điều này sẽ là “cú hích” quan trọng và cần thiết để giảng viên chú tâm vào các hoạt động NCKH.

Sáu là, tận dụng nguồn nhân lực có trình độ và thâm niên công tác NCKH trong nhà trường để tổ chức các buổi bồi dưỡng chuyên đề cho giảng viên trẻ, chưa có kinh nghiệm NCKH để nâng cao đồng bộ cho mọi giảng viên.Đồng thời, cũng cần chú trọng đề xuất các chế độ khen thưởng kịp thời đối với giảng viên tham gia NCKH, đặc biệt là các giảng viên đạt thành tích cao cụ thể như: tặng giấy khen, tiền thưởng, tiêu chuẩn để bình xét thi đua.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, với vai trò quan trọng của tri thức khoa học, việc đẩy mạnh NCKH trong giảng viên càng có ý nghĩa thiết thực. Hoạt động NCKH của giảng viên là một hoạt động rất quan trọng trong việc biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo. Đây cũng là cơ sở cần thiết để tiến hành đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội, nhằm đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nâng cao chất lượng giảng viên.